Bệnh gan nhiễm mỡ: Triệu chứng và cách phòng ngừa

09:11 - 15/03/2022

Gan nhiễm mỡ là thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng mỡ bị tích tụ quá nhiều trong gan. Thông thường, lượng mỡ trong gan rất thấp, chỉ chiếm từ 2-4% trọng lượng của gan. Đối với người bị bệnh gan nhiễm mỡ, tỷ lệ này chiếm ít nhất từ 5-10%. Bệnh gan nhiễm mỡ bao gồm một loạt các bệnh lý về gan, từ nhiễm mỡ đơn thuần đến viêm gan nhiễm mỡ và xơ gan. 

Phụ nữ có thai mắc viêm gan B nên làm gì?
Có nên uống vitamin tổng hợp hàng ngày để khỏe?
Xơ gan: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Cách thanh lọc cơ thể, cải thiện chức năng gan
Hút thuốc lá và bệnh về gan

Gan nhiễm mỡ

Gan là lá tạng lớn thứ 2 trong cơ thể người, đảm nhiệm nhiều vai trò cực kỳ quan trọng. Gan xử lý hầu hết tất cả những gì chúng ta ăn uống vào; đồng thời thanh lọc các độc tố trong máu. Quá nhiều chất béo tích tụ trong gan có thể ảnh hưởng chức năng gan, nặng hơn nữa là xơ gan thậm chí là suy gan.

Hiện nay, gan nhiễm mỡ đang ngày càng phổ biến. Các nghiên cứu cho rằng, ước tính 50 – 60 % người Việt Nam mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Đa phần các trường hợp gan nhiễm mỡ nằm trong độ tuổi từ 40 đến 60. Việc phát hiện và điều trị sớm các nguyên nhân cũng như điều chỉnh thích hợp trong lối sống trước khi xuất hiện những tổn thương thực sự ở gan sẽ phòng ngừa các biến chứng không mong muốn.

1. Các cấp độ gan nhiễm mỡ và triệu chứng

Khi mới bắt đầu, tình trạng gan nhiễm mỡ thường không ảnh hưởng gì đến sức khỏe vì vậy bệnh nhân thường không biết mình mắc bệnh và không được điều trị sớm. Tuy nhiên, gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không còn tùy thuộc vào mức độ nhiễm mỡ tại thời điểm phát hiện bệnh và điều trị có đúng và kịp thời không.

3 cấp độ gan nhiễm mỡ thể hiện tình trạng nặng khác nhau:

Các cấp độ gan nhiễm mỡ và triệu chứng

Gan nhiễm mỡ cấp độ 1:

Đây là giai đoạn đầu tiên của bệnh gan nhiễm mỡ; tỷ lệ mỡ chiếm 5 - 10% trên tổng trọng lượng của gan. Giai đoạn này chưa ảnh hưởng nhiều đến chức năng gan nên thường không có các biểu hiện lâm sàng; vì vậy thường ít được phát hiện.

Cũng vì chưa ảnh hưởng nhiều đến chức năng gan nên điều trị cũng dễ dàng hơn. Việc cần làm trong điều trị gan nhiễm mỡ độ 1 là thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường vận động và tuân thủ theo phương pháp điều trị của bác sĩ.

Gan nhiễm mỡ cấp độ 2:

Là giai đoạn thứ 2 của bệnh, tỉ lệ mỡ ở cấp độ 2 đã lên đến 10 - 25% trọng lượng của gan. Lúc này, kết quả xét nghiệm sẽ cho thấy mỡ đã lan rộng ra các mô gan và cơ hoành, bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, tiêu hóa kém, đầy bụng…

Tuy vẫn chưa gây nguy hiểm lớn đến sức khỏe nhưng nếu không được điều trị kịp thời thì gan nhiễm mỡ cấp độ 2 có thể tiến triển thành độ 3.

Người bệnh nên lưu ý chế độ ăn uống, tập thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe, tuyệt đối không sử dụng chất kích thích. Bên cạnh đó, có thể kết hợp sử dụng các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe giúp thúc đẩy quá trình lành bệnh của gan.

Gan nhiễm mỡ cấp độ 3:

Là giai đoạn cuối của quá trình nhiễm mỡ ở gan và là giai đoạn nguy hiểm nhất. Khi này, tỷ lệ mỡ tích tụ trong gan đã vượt quá 30% trọng lượng gan; rất khó điều trị và phục hồi.

Các triệu chứng lúc này đã rõ rệt hơn: ngoài mệt mỏi, chán ăn, sút cân còn có đau tức hạ sườn phải, vàng da, vàng mắt, sao mạch (u mạch hình nhện nổi dưới da)…Kết quả xét nghiệm siêu âm gan cho thấy độ hồi âm lan tỏa rõ rệt của nhu mô gan, khó xác định cơ hoành và đường bờ tĩnh mạch vì độ hút âm tăng mạnh.

Nếu không được phát hiện và có phương phát điều trị kịp thời sẽ dễ gây ra các biến chứng như viêm gan, xơ gan, ung thư gan, thậm chí có thể tử vong.

2. Nguyên nhân của gan nhiễm mỡ

Nguyên nhân của gan nhiễm mỡ

Nguyên nhân thường gặp nhất là do rượu. Các nghiên cứu cũng cho thấy rượu phá hủy và gây tổn thương gan, khoảng 40 – 50% những người bị gan nhiễm mỡ do rượu có bệnh tiến triển nặng.  

Ngoài ra, một số nguyên nhân thường gặp khác phải kể đến:

  • Béo phì
  • Mỡ máu cao
  • Tiểu đường typ 2
  • Hội chứng chuyển hóa

Và một số nguyên nhân ít gặp hơn gây ra bệnh gan nhiễm mỡ là: Sút cân quá nhanh, viêm gan C, gen di truyền, mang thai, tác dụng phụ của một số thuốc: Aspirin, Steroid, Steroids, Tamoxifen hay Tatracycline.

Các yếu tố nguy cơ của gan nhiễm mỡ

Như đã nêu ở trên, gan nhiễm mỡ hình thành do sự dư thừa mỡ trong gan, tương tự như khi bạn thừa cân hoặc béo phì. Đái tháo đường typ 2 cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ. Trong đó, sự tích lũy mỡ ở gan có liên quan tới tình trạng kháng insulin (nguyên nhân phổ biến nhất của đái thái đường typ 2)

Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ như:

- Uống nhiều rượu

- Sử dụng quá liều quy định một số loại thuốc như Acetaminophen

- Mang thai

- Cholesterol máu cao

- Hàm lượng triglycerid máu cao

- Suy dinh dưỡng

- Hội chứng rối loạn chuyển hóa

3. Phân loại Gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ được chia làm 4 nhóm

  • Gan nhiễm mỡ không do rượu

Nhóm này không liên quan đến rượu mà do rối loạn chuyển hóa mỡ của gan, dẫn đến dư thừa mỡ trong các tổ chức của gan. Bệnh nhân được xếp vào nhóm này khi tỷ lệ mỡ trong gan chiếm trên 10% trọng lượng của gan.

  • Gan nhiễm mỡ do rượu

Uống quá nhiều rượu sẽ gây tổn thương gan và dẫn đến suy giảm chức năng chuyển hóa mỡ. Gan nhiễm mỡ là triệu chứng sớm nhất của bệnh viêm gan do rượu.

Kiêng rượu giúp làm giảm tình trạng nhiễm mỡ gan. Sau 6 tuần, gan sẽ không còn nhiễm mỡ. Và ngược lại, uống quá nhiều rượu và liên tục, gan nhiễm mỡ có nguy cơ cao tiến triển thành xơ gan – một bệnh lý có thể đe dọa tính mạng.

  • Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu

Với những bệnh nhân thuộc nhóm này, khi lượng mỡ trong gan đạt đến mức độ nhất định, gan to lên và có thể đi kèm với suy giảm chức năng gan. Các triệu chứng chính bao gồm: chán ăn, buồn nôn và nôn, đau bụng, vàng da.

Nếu không được điều trị sẽ dẫn đến những tổn thương khó hồi phục ở gan và cuối cùng dẫn đến xơ gan.

  • Gan nhiễm mỡ cấp tính trong quá trình mang thai

Gan nhiễm mỡ cấp là một biến chứng hiếm gặp và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của thai phụ.

Các triệu chứng xuất hiện ở 3 tháng cuối thai kỳ, bao gồm: Buồn nôn và nôn liên tục, đau vùng hạ sườn phải, vàng da, cảm thấy khó chịu khắp cơ thể.

Phụ nữ mang thai sẽ được kiểm tra sàng lọc, dự phòng và điều trị từ sớm. Đa phần các triệu chứng sẽ giảm dần sau khi sinh và không để lại hậu quả về sau.

4. Chẩn đoán

Siêu âm

Lâm sàng: Gan nhiễm mỡ có thể phát hiện đươc qua thăm khám lâm sàng. Báo với bã sĩ các biểu hiện như bụng ấm ách, chán ăn và tiền sử sử dụng rượu hay các loại thuốc đã và đang sử dụng.

Xét nghiệm máu: Đánh giá men gan, xét nghiệm máu không phải là phương pháp chẩn đoán xác định nhưng rất cần thiết để tìm nguyên nhân gây tồn thương gan.

Siêu âm, hay chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ: Để đánh giá hình ảnh của gan giúp phát hiện gan nhiễm mỡ, nhưng chưa đánh giá được đầy đủ chức năng gan và nhiều tổn thương khác.

Sinh thiết gan: Đây là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán cũng như xác định nguyên nhân của bệnh gan nhiễm mỡ. Bác sĩ sẽ gây tê cho người bệnh, sau đó sử dụng một kim sinh thiết để lấy ra mảnh tổ chức gan và đưa đi kiểm tra tế bào học.

5. Điều trị

Điều quan trọng trong việc điều trị gan nhiễm mỡ là giảm bớt các yếu tố nguy cơ.

  • Hạn chế và tránh các loại đồ uống có cồn
  • Kiểm soát lượng Cholesterol và đường máu
  • Giảm cân nếu bạn bị thừa cân

Nếu bạn mắc gan nhiễm mỡ do béo phì hoặc do thói quen ăn uống, thì tập thể dục thể thao là điều không thể thiếu, đồng thời loại bỏ những thực phẩm không tốt cho sức khỏe. Ăn nhiều hoa qua tươi, rau xanh, ngũ cốc. Thay vì ăn thịt đỏ, bạn hãy sử dụng những protein ít béo như gà hay cá.

6. Dự phòng

Dự phòng gan nhiễm mỡ

Một điều may mắn là gan nhiễm mỡ thường không gây ra các tổn thương gan vĩnh viễn. Lá gan của chúng ta có khả năng tự hồi phục nên nếu bạn điều trị tốt tiểu đường, mỡ máu cao, hay béo phì, bạn hoàn toàn có thể đảo ngược quá trình nhiễm mỡ của gan. Còn nếu bạn là một người hay uống rượu thì ở một mức độ nào đấy, việc ngừng rượu sẽ giúp gan khỏi hoàn toàn.

Và tốt hơn hết, giữ cho lá gan của bạn khỏe mạnh để phòng ngừa gan nhiễm mỡ là điều bạn nên thực hiện ngay từ ban đầu. Thay đổi thói quen ăn uống lành mạnh, hạn chế sử dụng thức uống có cồn. Theo Trung tâm dự phòng và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC): "Sử dụng đồ uống có cồn một cách điều độ là 1 ly/ngày với phụ nữ và 2 ly/ngày với nam giới”

Ngoài ra, hãy tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để duy trì cân lặng lý tưởng và đảm bảo sức khỏe tốt.