Cách thanh lọc cơ thể, cải thiện chức năng gan

08:47 - 04/07/2022

Tiêu thụ nhiều đồ ăn nhanh, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, cay nóng; uống quá nhiều rượu bia hay thuốc… sẽ khiến gan phải hoạt động nhiều hơn để đào thải các chất độc hại; và đó có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng “nóng gan”.

Phụ nữ có thai mắc viêm gan B nên làm gì?
Có nên uống vitamin tổng hợp hàng ngày để khỏe?
Xơ gan: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Hút thuốc lá và bệnh về gan
Đột quỵ não - Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí

1. Tại sao cần cải thiện chức năng gan?

Tại sao cần cải thiện chức năng gan?

Gan là một tạng lớn nhất của cơ thể, nằm ở phần tư phía trên bên phải của bụng, ngay dưới cơ hoành và được bảo vệ bởi các xương sườn dưới phải. Nó được ví như “nhà máy thải độc” và có vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe với các nhiệm vụ:

  • Giải độc: chuyển hóa thuốc, amoniac thành urê (chu trình urê), bilirubin, cholesterol
  • Tổng hợp: protein huyết tương (albumin, globulin), cholesterol, triglycerid và lipoprotein
  • Dự trữ: vitamin A, D, E, K và B12
  • Sản xuất: muối mật cho quá trình tiêu hóa

Có nhiều yếu tố nguy cơ có thể làm gan bị tổn thương như:

  • Uống rượu, bia, hút thuốc lá.
  • Bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan, vi khuẩn, ký sinh trùng.
  • Độc tố ô nhiễm môi trường (thực phẩm, dung môi, hóa chất...).
  • Mất cân bằng dinh dưỡng (quá dư hoặc quá suy kiệt năng lượng).
  • Một số bệnh lý khiến cho gan dễ bị tổn thương như bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa bẩm sinh…

Các bệnh lý về gan thường diễn ra âm thầm nhưng để lại hậu quả nặng nề, đe dọa tính mạng nếu phát hiện muộn.

Do vậy, việc bảo vệ các tế bào gan, cải thiện chức năng gan là vô cùng quan trọng để có một sức khỏe tốt.

2. Một số cách giúp cải thiện chức năng gan

2.1. Chế độ ăn khoa học, đủ dinh dưỡng

Chế độ ăn khoa học, đủ dinh dưỡng

Có một chế độ ăn uống hợp lý, khoa học là yếu tố đầu tiên bạn cần thực hiện để cải thiện chức năng gan.

Các loại thực phẩm tốt cho gan nên sử dụng:

  • Các loại rau họ cải như bắp cải, súp lơ, bông cải xanh,...có tác dụng kích thích hoạt động của các enzym nhằm tăng cường chức năng giải độc gan, hỗ trợ quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất béo, hạn chế các nguy cơ gây ung thư.
  • Các loại rau lá xanh như: Rau chân vịt (cải bó xôi), mồng tơi, rau ngót, rau lang, rau muống … cũng là một trong những loại thực phẩm có khả năng giải độc gan, với hàm lượng cao chlorophyll có thể trung hòa kim loại nặng, hóa chất, thuốc trừ sâu, các loại thực phẩm độc, loại bỏ chất độc trong máu, bảo vệ chức năng gan. 
  • Tỏi có chứa các đặc tính chống viêm và chống vi khuẩn rất tốt cho gan. Trong tỏi chứa một hợp chất gọi là allicin hỗ trợ giải độc gan và giúp gan loại bỏ một số chất phụ gia thực phẩm và hóa chất nguy hiểm. Chỉ cần một nhánh tỏi trắng mỗi ngày có thể kích hoạt enzym của gan, giúp cơ thể tăng cường thải độc tố. Ngoài allicin, tỏi cũng chứa hàm lượng cao selenium, hai hợp chất tự nhiên hỗ trợ trong giải độc gan, phòng ngừa ung thư gan.
  • Các loại quả chứa nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa như: Bưởi, cam, chanh giúp tăng quá trình thanh lọc chất độc của gan. Nước ép bưởi, cam tươi, nước chanh ấm sẽ giúp đẩy mạnh quá trình tạo thành các enzym giải độc gan và đào thải những chất gây ung thư và độc tố khác.

Các loại thực phẩm thiếu lành mạnh cần hạn chế:

  • Chất béo từ thịt động vật, bơ, sữa và dầu thực vật. Sản phẩm tinh bột, đường, rượu, và caffeine cũng sẽ làm suy yếu gan, chủ yếu là do suy tiêu hóa và xử lý quá mức đường/ tinh bột. Tránh thực phẩm biến đổi gene cũng là vô cùng quan trọng.
  • Đồ ăn nhanh cũng sẽ không tốt cho gan và có khả năng gây béo phì. Trong các loại đồ ăn nhanh thường chứa nhiều chất béo và đường (hoặc chất tạo ngọt nhân tạo). Nếu tiêu thụ quá nhiều sẽ làm tăng gánh nặng cho gan.
  • Các thực phẩm chiên rán, xào… ăn nhiều cũng sẽ gây hại về gan, nhất là chứng gan nhiễm mỡ: Khi cơ thể nạp vào thực phẩm có quá nhiều dầu mỡ, nó sẽ làm tăng hàm lượng chất béo mà gan phải xử lý, từ đó có thể gây ra các vấn đề về gan, nhất là chứng gan nhiễm mỡ. Khả năng phân giải của gan đối với chất có nguồn gốc động vật kém hơn rất nhiều so với chất béo có nguồn gốc thực vật. Vậy nên, cần tránh ăn quá nhiều chất béo từ thực phẩm hàng ngày như thịt mỡ, các loại thực phẩm chiên rán, xào bằng dầu mỡ tái chế có nhiều trong thức ăn nhanh như bánh rán, mỳ tôm …
  • Ăn quá nhiều muối có thể làm tăng huyết áp và cũng có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ. Nên hạn chế các món ăn nhiều muối như dưa muối, thịt xông khói và xúc xích...

2.2. Hạn chế hoặc loại bỏ thói quen uống rượu, bia

2.	Hạn chế hoặc loại bỏ thói quen uống rượu, bia

Khi rượu bia vào cơ thể, chỉ khoảng 10% lượng cồn được đào thải qua đường tiểu, mồ hôi và hơi thở, 90% còn lại sẽ đến thẳng gan. Tại đây, chất cồn từ bia rượu sẽ được tế bào gan xử lý, tiến hành quá trình khử độc.

Tuy nhiên, khả năng của gan chỉ có hạn, chỉ có thể xử lý được một lượng cồn nhất định mỗi giờ. Nếu nồng độ cồn trong máu càng cao thì thời gian xử lý càng lâu.

Uống quá nhiều rượu bia, chất độc không thể thoát ra mà tích tụ trong gan làm gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, ung thư gan.

2.3. Tiến hành bỏ thuốc lá

Gan là lá chắn cũng là nơi lọc và đào thải chất độc hại ra khỏi cơ thể. Khi hút thuốc lá, gan thường xuyên phải tiếp xúc với các chất độc trong khói thuốc như nicotin, nitrosamine, hắc ín… Điều này có thể dẫn đến nhiều bệnh lý về gan, thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư gan.

Thuốc lá không chỉ gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bản thân người hút mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh khi phải tiếp xúc với thuốc lá một cách thụ động. Vì vậy, cần tiến hành bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe của bạn và người thân.

2.4. Bảo vệ cơ thể trước các chất độc từ môi trường

Gan không chỉ phải xử lý thức ăn, thuốc, các chất đi vào cơ thể thông qua đường miệng mà còn phải xử lý các chất hoá học đi vào cơ thể thông qua mũi và da.

Một số hóa chất làm sạch trong nhà hàng ngày có thể chứa các chất độc có thể gây tổn thương gan, nhất là khi tiếp xúc lâu dài, thường xuyên. Để dự phòng tình trạng tổn thương đến gan, hãy lựa chọn các sản phẩm làm sạch nhà cửa hữu cơ và sử dụng các kỹ thuật khác nhau để làm sạch nhà.

Đặc biệt, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học là những nguồn chất hóa học vô cùng độc hại; không những có thể làm tổn thương gan mà còn có thể gây ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể. Cần thận trọng tránh hít phải hơi của những chất hoá học này. Nếu bạn bắt buộc phải sử dụng các chất hoá học hãy mặc đồ bảo hộ và che chắn tốt cho cơ thể bạn.

2.5. Thường xuyên luyện tập thể thao

Thường xuyên luyện tập thể thao

Hoạt động thể thao không chỉ tốt cho cơ xương và hệ tim mạch mà còn tốt cho gan.

Một nghiên cứu cho thấy, các bài tập luyện thể lực có thể giúp dự phòng tình trạng tích tụ mỡ trong gan. Tích tụ mỡ trong gan có liên quan đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

Không cần phải ép buộc bản thân tập thể thao quá nhiều hoặc quá khó, hãy lựa chọn môn thể thao yêu thích và luyện tập trong khoảng thời gian hợp lý để cải thiện sức khỏe của bạn.

2.6. Tránh căng thẳng, stress kéo dài

Khi rơi vào tình trạng stress, thường xuyên mất ngủ cùng với rối loạn giấc ngủ hoặc nghỉ ngơi không hợp lý dẫn đến sự thiếu hụt máu ở gan, ảnh hưởng đến sự nuôi dưỡng tế bào gan làm gan không thể duy trì các hoạt động bình thường.

Với những người thường xuyên suy sụp, mệt mỏi trong thời gian dài mà không được giải tỏa có thể gặp phải các dấu hiệu tổn thương gan như tức ngực, đau xương sườn.

Vậy nên, để gan khỏe mạnh nên xây dựng cho mình một lối sống khoa học, lên lịch biểu làm việc, hạn chế tối đa tình trạng căng thẳng. Một điều quan trọng là bạn cần nâng cao chất lượng giấc ngủ, ngủ đủ giấc, đúng thời gian để có một cơ thể khỏe mạnh, đủ năng lượng.

2.7. Loại bỏ thói quen tự ý dùng thuốc

 Loại bỏ thói quen tự ý dùng thuốc

Hầu như tất cả các loại thuốc, từ dược liệu đến thuốc hóa dược đều sẽ đi qua gan và được chuyển hoá tại gan. Thậm chí một số loại thuốc hoặc chất chuyển hóa của nó có thể gây độc cho gan như thuốc điều trị lao, một số loại kháng sinh…

Việc uống thuốc và kết hợp thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ giúp hạn chế các tác động bất lợi của thuốc đối với gan. Các trường hợp dùng thuốc có thể gây hại cho gan như:

  • Dùng không đúng chỉ định
  • Dùng thuốc không rõ nguồn gốc, thành phần
  • Quá liều thuốc
  • Không đúng thời điểm
  • Uống nhiều thuốc một lần

Do vậy cần loại bỏ thói quen tự ý dùng thuốc chưa có chỉ định của các bác sĩ hoặc nhà chuyên môn kể cả thuốc tây, thuốc nam, thuốc bắc…. Không tự ý dùng, không dùng theo mách bảo, truyền miệng.

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những phương pháp hữu hiệu để thanh lọc cơ thể, cải thiện chức năng gan để có một sức khỏe tốt.