Đột quỵ não - Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí
11:12 - 02/06/2022
Đột quỵ não (tai biến mạch máu não) là một bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có 15 triệu người bị đột quỵ trên toàn thế giới, trong đó 5 triệu người chết và 5 triệu người bị tàn tật vĩnh viễn.
Có nên uống vitamin tổng hợp hàng ngày để khỏe?
Xơ gan: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Cách thanh lọc cơ thể, cải thiện chức năng gan
Hút thuốc lá và bệnh về gan
1. Đột quỵ não là gì
Đột quỵ là tình trạng mất đột ngột lưu lượng máu tới não hoặc chảy máu bên trong sọ dẫn đến giảm, mất chức năng hoặc chết các tế bào não, là nguyên nhân gây liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, trí nhớ, hôn mê và khả năng gây tử vong cao.
Đột quỵ não có thể chia làm 2 thể:
1.1. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ
Nguyên nhân gây thiếu máu cục bộ dẫn đến đột quỵ là do tình trạng tắc nghẽn trong động mạch, điển hình là do huyết khối hoặc cục máu đông gây tắc mạch. Loại đột quỵ này chiếm khoảng 85% các ca đột quỵ.
- Đột quỵ do huyết khối
Các mảng vữa xơ động mạch làm tổn thương và mất các tế bào nội mô, lộ ra lớp dưới nội mạc làm hoạt hóa tiểu cầu, hoạt hóa các yếu tố đông máu, ức chế tiêu sợi huyết tạo ra các cục huyết khối. Hoặc tình trạng hẹp động mạch làm tăng tốc độ dòng máu chảy, tăng kết dính tiểu cầu, làm dễ dàng hình thành cục máu đông làm tắc nghẽn mạch. Hậu quả là một phần não bị thiếu máu nuôi, dẫn đến đột quỵ do thiếu máu tại chỗ.
- Đột quỵ do thuyên tắc
Động mạch bị tắc nghẽn do huyết khối từ nơi khác đến gây lấp mạch. Huyết khối này có thể được hình thành từ tim hoặc do mảng xơ vữa động mạch bong tróc ra. Cục tắc từ tim có thể chiếm tới 20% nguyên nhân gây nhồi máu não cấp.
1.2. Đột quỵ do xuất huyết não
Xuất huyết (chảy máu) não, là do vỡ mạch máu não làm chảy máu vào nhu mô não, khoang dưới nhện hay não thất. Có khoảng 15% các trường hợp bệnh đột quỵ hiện nay là do xuất huyết não.
Xuất huyết não được chia làm hai loại là xuất huyết não nguyên phát và xuất huyết não thứ phát. Xuất huyết não nguyên phát điển hình là do căn nguyên của bệnh lý mạch máu nhỏ. Xuất huyết não thứ phát là do các căn nguyên dị dạng mạch máu (phình mạch, thông động-tĩnh mạch, rò động-tĩnh mạch màng cứng, dị dạng mạch thể hang), chuyển dạng chảy máu sau nhồi máu, bệnh lý đông máu, các khối u.
2. Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não
Các yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ mà có thể thay đổi được bao gồm:
- Tăng huyết áp
- Hút thuốc lá
- Rối loạn lipid máu
- Bệnh tiểu đường
- Kháng Insulin
- Béo bụng
- Lạm dụng rượu
- Thiếu hoạt động thể lực
- Chế độ ăn nguy cơ cao (ví dụ: giàu chất béo bão hòa, chất béo chuyển dạng và năng lượng)
- Căng thẳng tâm lý và xã hội (ví dụ, trầm cảm)
- Bệnh tim (đặc biệt là những bệnh lý tạo thuận cho tắc mạch, như nhồi máu cơ tim cấp, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, và rung nhĩ)
- Xơ vữa động mạch
- Tăng đông (chỉ đột quỵ do huyết khối tắc mạch)
- Phình mạch trong sọ (chỉ chảy máu dưới nhện)
- Sử dụng một số chất nhất định (ví dụ, cocaine, amphetamines)
- Viêm mạch
Các yếu tố trên có thể thay đổi bằng cách thay đổi lối sống hoặc sử dụng thuốc, các biện pháp để quản lý tốt bệnh nền.
Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được bao gồm:
- Đột quỵ trước đó
- Tuổi cao
- Tiền sử gia đình có đột quỵ
- Yếu tố di truyền
3. Dấu hiệu nhận biết đột quỵ não sớm
BE FAST: Quy tắc nhận biết sớm đột quỵ
BE FAST là cụm từ bao gồm 6 chữ cái, mỗi chữ mô tả một dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ:
- B (BALANCE): Diễn tả triệu chứng khi bệnh nhân đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động.
- E (EYESIGHT): Thể hiện việc bệnh nhân bị mờ mắt (giảm thị lực) hoặc mất hoàn toàn thị lực của 1 hoặc cả 2 mắt.
- F (FACE): Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn.
- A (ARM): Bệnh nhân cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng 1 lúc.
- S (SPEECH): Bệnh nhân khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.
- T (TIME): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
4. Biến chứng của đột quỵ não
Các biến chứng của đột quỵ có thể bao gồm rối loạn giấc ngủ, lú lẫn, trầm cảm, cơ tròn không tự chủ, xẹp phổi, viêm phổi, và rối loạn nuốt, có thể dẫn đến sặc, mất nước, hoặc thiếu dinh dưỡng. Bất động có thể dẫn đến bệnh lý huyết khối tắc mạch, suy kiệt, mất khối cơ, nhiễm trùng tiết niệu, loét tỳ đè, và co cứng cơ.
Chức năng sinh hoạt hàng ngày (bao gồm cả khả năng đi bộ, nhìn, cảm nhận, nhớ, suy nghĩ và nói) có thể suy giảm.
5. Xử trí bệnh nhân bị đột quỵ
Đối với người bị đột quỵ não, 03 giờ đầu tiên thời gian là khoảng thời gian vàng, vì vậy, hãy đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Trong lúc chờ cấp cứu bạn NÊN làm những việc sau:
- Dìu bệnh nhân tránh để bệnh nhân bị té ngã, chấn thương.
- Để bệnh nhân nằm ở nơi thoáng mát, kê cao đầu từ 20-30 độ
- Nếu bệnh nhân còn tỉnh, hỏi thăm thông tin của bệnh nhân: tên họ, số điện thoại người thân, tình trạng bệnh lý mãn tính, để có thể trao đổi tình trạng bệnh nhân khi nhân viên 115 tới.
- Nếu bệnh nhân bị nôn để bệnh nhân nghiêng 45 độ, móc hết đàm, nhớt để tránh gây ngạt bệnh nhân.
- Nếu bệnh nhân bị ngất, kiểm tra mạch của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân bị ngưng tim thực hiện ngay hồi sức tim phổi (hô hấp nhân tạo), bạn có thể gọi 115 để được hướng dẫn khi bạn không biết cách làm.
Những việc bạn KHÔNG NÊN làm:
- Không tụ tập đông người xung quanh bệnh nhân.
- Không tự ý xoa dầu nóng, cạo gió, dùng kim đâm đầu ngón tay.
- Không cho bệnh nhân uống bất kỳ loại thuốc nào.
6. Dự phòng đột quỵ não
Để dự phòng đột quỵ não cần có lối sống khoa học, lành mạnh, đồng thời tránh các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Tập thể dục thường xuyên, tránh lối sống ít vận động.
- Chế độ ăn uống hợp lý hạn chế đồ dầu mỡ nhiều cholesterol và chất béo, thức uống có cồn, nước có ga, rượu bia,…; tăng cường rau xanh, trái cây.
- Ngủ đúng giờ, đủ giấc, tránh thức khuya.
- Hạn chế sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn.
- Không hút thuốc lá.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát đột quỵ.
- Kiếm soát tốt bệnh nền như huyết áp, tim mạch, tiểu đường, mỡ máu…
Trên đây là các thông tin cơ bản về đột quỵ não. Hy vọng bài viết giúp bạn có những kiến thức để nhận biết sớm và xử trí kịp thời các bệnh nhân bị đột quỵ; đồng thời có những biện pháp để phòng tránh nguy cơ đột quỵ.