Viêm gan B lây qua đường nào? Những hiểu lầm về lây truyền viêm gan B
15:43 - 12/12/2021
Viêm gan B là một căn bệnh nguy hiểm vì diễn tiến âm thầm và nếu không phát hiện kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như xơ gan, ung thư gan. Tỷ lệ lưu hành HBsAg (kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B) ở Việt Nam thuộc top các nước ở mức cao (≥8%). Vì vậy, hiểu rõ viêm gan B lây qua đường nào để chủ động phòng tránh là vô cùng cần thiết.
Có nên uống vitamin tổng hợp hàng ngày để khỏe?
Xơ gan: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Cách thanh lọc cơ thể, cải thiện chức năng gan
Hút thuốc lá và bệnh về gan
1. Bệnh viêm gan B có lây không?
Câu trả lời là Có.
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Virus viêm gan B sau khi rời khỏi cơ thể người bệnh có thể sống ít nhất 7 ngày ngoài môi trường. Trong khoảng thời gian này, chúng có thể xâm nhập vào cơ thể nếu người đó chưa được tiêm vaccine viêm gan B.
Trung bình, bệnh viêm gan B có thời gian ủ bệnh khoảng 75 ngày. Virus viêm gan B có thể được phát hiện bằng các xét nghiệm sau 1 – 2 tháng nhiễm bệnh.
2. Các con đường lây truyền bệnh
Virus viêm gan B có thể lây truyền qua 3 con đường chính: đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con.
2.1. Đường máu
Virus viêm gan B tồn tại trong máu với tỷ lệ cao. Vì vậy, rất dễ nhiễm bệnh nếu tiếp xúc với máu của người bệnh thông qua các hoạt động sau:
- Tiếp xúc với máu của người nhiễm bệnh qua các vết thương hở.
- Dùng chung vật dụng cá nhân như dao cạo, bàn chải…
- Các hoạt động công cộng như xỏ khuyên, xăm mình, dùng chung dụng cụ y tế khi chưa được sát trùng.
- Nhận máu từ người mang bệnh. Do tỷ lệ viêm gan B virus khá cao, các trường hợp nhiễm virus tiềm tàng có thể là mối đe dọa lớn trong an toàn truyền máu.
Trên thế giới có khoảng 21 triệu trường hợp nhiễm HBV trên thế giới vào năm 2000 được cho là do sử dụng con đường tiêm thuốc không an toàn.
2.2. Đường tình dục
Ngoài tồn tại trong máu, virus viêm gan B còn được tìm thấy trong dịch âm đạo của nữ hoặc tinh dịch của nam. Tuy nồng độ virus trong các dịch này thấp hơn 100 lần so với máu, nhưng nó vẫn có thể lây truyền nếu không có các biện pháp quan hệ tình dục an toàn. Lây nhiễm qua đường tình dục xảy ra cả ở quan hệ tình dục khác giới và đồng giới.
Hầu hết các trường hợp nhiễm HBV ở các nước ít phổ biến bệnh này thì thường xảy ra ở giai đoạn thành niên hoặc người trẻ tuổi. Con đường lây nhiễm chính: tình dục không an toàn hoặc sử dụng các thuốc tiêm chích.
2.3. Đường từ mẹ sang con
Đây là một con đường lây truyền phổ biến nhất ở nước ta hiện nay. Hầu hết các trường hợp nhiễm virus viêm gan B theo đặc tính vùng miền thường xảy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
– Lây truyền dọc từ mẹ sang con (phơi nhiễm ở giai đoạn chu sinh) hoặc lây nhiễm ngang.
– Liên quan đến nguy cơ lây nhiễm mạn tính cao nhất.
Khả năng truyền bệnh thay đổi theo các giai đoạn của thai kỳ. Thời điểm lây nhiễm từ mẹ sang con chủ yếu là lúc chuyển dạ đẻ. Đặc biệt, nguy cơ lây nhiễm cho con có thể lên đến 90% nếu không có các biện pháp bảo vệ sau sinh.
Ngoài ra, mức độ truyền nhiễm bệnh cho con còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh của người mẹ. Khi mẹ có HBeAg dương tính và hoặc nồng độ HBV DNA cao trên 10^6 copies/ml là yếu tố làm tăng nguy cơ lây truyền HBV từ mẹ sang con.
3. Những hiểu lầm về lây truyền HBV
3.1. HBV có thể lây qua đường tiêu hóa?
Một số người nhầm lẫn rằng viêm gan B có thể lây qua đường tiêu hóa. Tuy nhiên, virus này không có khả lây nhiễm vào cơ thể qua thức ăn, nước uống. Bên cạnh đó, việc ăn uống chung với người nhiễm HBV cũng không làm lây truyền bệnh.
3.2. Tiếp xúc với người mắc viêm gan B có thể lây bệnh?
Ngoài 3 con đường lây truyền như đã đề cập ở trên, các tiếp xúc thông thường như nói chuyện, bắt tay, ôm nhau… mà cả hai không có vết thương hở thì không thể truyền bệnh. Vì vậy, bạn không cần lo sợ hay e ngại khi có những tiếp xúc bình thường hàng ngày với người nhiễm bệnh.
3.3. Người mẹ mắc bệnh không được cho con bú?
Một lo ngại của nhiều bà mẹ là liệu mẹ bị nhiễm bệnh cho con bú có thể truyền bệnh cho con không?
Trên thực tế, không có chống chỉ định nuôi con bằng sữa mẹ ở những bà mẹ có HBsAg dương mà mẹ đang sử dụng TDF (Tenofovir Disoproxil Fumarate) để điều trị bệnh hoặc dự phòng. Nồng độ virus trong tuyến sữa của mẹ cũng rất nhỏ, ít có khả năng truyền cho con.
Tuy nhiên, nếu đầu vú của mẹ có tổn thương gây chảy máu thì có thể truyền bệnh cho con. Vì vậy, các bà mẹ mắc viêm gan B vẫn cần chú ý khi cho trẻ bú.
4. Các biện pháp phòng tránh lây nhiễm
4.1. Tiêm vaccine viêm gan B
Tiêm vaccine viêm gan B là một biện pháp phòng tránh nhiễm bệnh hiệu quả nhất hiện nay.
WHO khuyến cáo rằng tất cả trẻ sơ sinh nên được tiêm vaccine viêm gan B càng sớm càng tốt trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Sau đó tiếp tục tiêm 2 hoặc 3 liều cách nhau ít nhất 4 tuần. Miễn dịch sinh ra sẽ bảo vệ đứa trẻ ít nhất 20 năm hoặc thậm chí có thể suốt đời nếu nồng độ kháng thể kháng virus sau tiêm lớn hơn 1000 IU/L.
4.2. Các biện pháp phòng tránh lây truyền
Kể cả khi đã được bảo vệ bởi vaccine viêm gan B, mỗi người vẫn nên thực hiện tốt các biện pháp sau bảo vệ bản thân một cách tốt nhất:
- Không sử dụng chung bơm kim tiêm.
- Chỉ thực hiện xỏ khuyên, xăm mình tại những nơi uy tín và thực hiện tốt các biện pháp an toàn.
- Không sử dụng chung vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo…
- Quan hệ tình dục an toàn: sử dụng bao cao su để phòng ngừa nhiễm bệnh.
- Sàng lọc máu và các chế phẩm từ máu đúng quy trình trước khi tiếp nhận.
- Băng kín các vết thương hở để tránh phơi nhiễm với virus viêm gan B.
- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm.
- Đặc biệt, trước khi có ý định mang thai, vợ chồng cần đi kiểm tra xem có mắc viêm gan B không để dự phòng lây nhiễm cho con.
Các đối tượng được khuyến cáo sàng lọc HBV
- Phụ nữ có thai
- Người dương tính HIV
- Người tiêm chích ma túy
- Quan hệ đồng giới nam
- Người sống ở khu vực bệnh viêm gan B phổ biến
- Người sống chung hoặc quan hệ tình dục với người mắc viêm gan B.
Trên đây là thông tin về các con đường lây truyền viêm gan B và cách phòng ngừa lây nhiễm. Hy vọng bài viết đã cung cấp được cho bạn các kiến thức để tránh lây nhiễm căn bệnh này.